Suy nghĩ về câu Ai ơi giữ chí cho bền/Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai (Dàn ý + 6 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 10

Sau đây là bài văn mẫu lớp 10: Suy nghĩ về câu Ai ơi giữ chí cho bền/Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai, đã được chúng tôi sưu tầm và đăng tải tại đây.

Suy nghĩ về câu Ai ơi giữ chí cho bền/Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai (Dàn ý + 6 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 10

Hy vọng rằng với tài liệu này thì các bạn học sinh có thêm nhiều cách làm bài văn nghị luận xã hội lớp 10 hơn.  Dưới đây là dàn ý và một số bài văn nghị luận về vấn đề Suy nghĩ về câu Ai ơi giữ chí cho bền/Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai, mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý suy nghĩ về câu ca dao Ai ơi giữ chí cho bền

I. Mở bài:

– Trong mọi công việc của một cá nhân, tác động từ phía khách quan không phải là nhỏ mà có khi nó làm đảo ngược ý định ban đầu, đẩy con người vào tình thế lúng túng, bị động và kết quả là hỏng việc.

– Nhân dân lao động thuở xưa đã khuyên nhau:

Ai ơi giữ chí cho bền.

Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.

– Muốn đạt được mục đích, con người phải có ý chí, nghị lực và một lập trường kiên định trước sau như một.

a. Giải thích ý nghĩa câu ca dao:

+ Nghĩa hiển ngôn:

– Nói về chuyện làm nhà, chủ nhà đã định thế nào thì cứ làm như thế, không nên phụ thuộc vào sự can thiệp của người khác, kể cả khi sự can thiệp đó đến mức nghiêm trọng (xoay hướng).

+ Nghĩa hàm ngôn:

– Ta phải giữ vững chủ ý, tức là ý chí, lập trường và quyết tâm hoàn thành công việc sau khi đã xác định mục đích đúng đắn.

– Không nên dao động trước dư luận vì điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt tới quá trình thực hiện công việc.

b. Khẳng định ý nghĩa câu ca dao trên là hoàn toàn đúng:

– Trước khi bắt tay vào làm một việc gì đó, người ta thường đặt ra mục đích vì mong muốn đạt được mục đích.

* Trong khi làm việc, khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, muốn đạt được mục đích thì phải có ý chí và quyết tâm cao.

– Giữ vững ý chí và quyết tâm là điều kiện cơ bản quyết định thắng lợi của công việc, là đức tính cần thiết hàng đầu của người lao động.

c. Nâng cao, mở rộng vấn đề:

– Ý nghĩa lời khuyên trên chỉ hoàn toàn đúng khi mục đích đúng đắn, phương pháp làm việc phù hợp với thực tế khách quan.

– Nếu dư luận tác động vào công việc là dư luận xấu thì nhất thiết ta không nên nghe theo, làm theo vì sẽ dẫn đến kết quả xấu.

– Nên tham khảo và tiếp thu có sáng tạo cái mới, cái đúng, vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh của mình, nhằm đạt được mục đích ban đầu đã đặt ra.

– Ý chí kiên định, quyết tâm cao cần đi đôi với biện pháp linh hoạt trong khi làm việc.

III. Kết bài:

– Câu ca dao trên là một lời khuyên đúng đắn, chân tình, rất phù hợp với con người và hoàn cảnh Việt Nam.

– Việc rèn luyện ý chí, quyết tâm là điều hết sức cần thiết đối với mỗi người.

– Ý chí lớn, quyết tâm cao kết hợp với trí tuệ sắc sảo là những yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi trong mọi công việc và trong sự nghiệp.

Suy nghĩ về câu ca dao Ai ơi giữ chí cho bền – Mẫu 1

Trong cuộc sống hằng ngày, sự tác động của hoàn cảnh khách quan, cùng dư luận đối với mỗi con người là chuyện tất yếu. Song, điều cơ bản là thái độ của con người trước những tác động đó như thế nào ? Nên chủ động, tự tin vào mình hay lệ thuộc vào hoàn cảnh? Từ xưa, nhân dân ta đã có nhận thức rất đúng đắn về vai trò của ý chí, lập trường trong hành động, coi đó là điều kiện quan trọng quyết định thành công hay thất bại. Đồng thời coi ý chí và nghị lực là phẩm chất hàng đầu của người lao động. Quan điểm trên được phản ánh trong câu ca dao mộc mạc giống như một lời khuyên nhủ chân tình:

Ai ơi giữ chí cho bền,
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.

Không phải ngẫu nhiên người xưa mượn chuyện làm nhà để nói lên ý chí con người, có ba việc lớn trong đời mà người ta phải làm. Đó là: làm nhà, lấy vợ, tậu trâu. Ba việc ấy thể hiện bản lĩnh và khả năng của người đàn ông. Trong chuyện làm nhà thì việc chọn hướng, đổ nền là cốt yếu. Phải chọn hướng nhà sáng sủa thoáng mát để cuộc sống trở nên dễ chịu, bảo đảm sức khỏe. Phải đổ nền cho cao, cho chắc để tránh ẩm thấp, tối tăm… Những việc ấy, người làm nhà phải tự chọn, tự quyết, một khi thấy như thế là đúng đắn thì không thể vì lời bàn ra tán vào của những người xung quanh mà hoang mang, dao động, thay đổi chủ định ban đầu. Nghĩa chính của câu ca dao là vậy, và trên cơ sở đó, người xưa muốn bày tỏ quan điểm của mình về tính mục đích, ý chí, nghị lực trong hành động.

Thông thường, trước khi bắt tay vào làm một việc gì đó, người ta đều đặt ra mục đích và luôn luôn mong ước đạt được mục đích. Nhưng có mục đích không thôi thì chưa đủ mà phải có ý chí, nghị lực, cùng quyết tâm vượt mọi khó khăn trở ngại mới mong gặt hái được kết quả tốt đẹp.

Trong quá trình làm việc, không phải tất cả đều dễ dàng, suôn sẻ. Người tiến hành công việc sẽ gặp những khó khăn trong dự tính và cả ngoài dự tính, tránh sao khỏi lời bàn tán xung quanh. Thực tế cho thấy không ít người do quá phụ thuộc vào dư luận mà hỏng việc, bởi chín người mười ý, chẳng ai giống ai. Giống như anh chàng đẽo cày giữa đường trong truyện cổ dân gian, vừa đáng cười vừa đáng thương.

Chính những lúc dư luận phức tạp lại là lúc người ta cần phải có lập trường vững vàng và quyết tâm cao. Ý chí sẽ đem lại sức mạnh và óc sáng tạo cho con người, giúp con người đi đến đích cuối cùng. Vai trò của ý chí lớn như vậy nên nó được coi là phẩm chất cao quý hàng đầu của người lao động.

Chúng ta có thể đặt ra giả thuyết: nếu dư luận xung quanh việc làm của ta là đúng đắn, thì liệu ta có nên nghe theo hay cứ khăng khăng giữ lập trường của mình ngay cả khi sai?

Giữ chí cho bền không đồng nghĩa với bảo thủ, lạc hậu. Trước dư luận, ta phải tỉnh táo, sáng suốt phân tích xem đâu là đúng, đâu là sai, phù hợp hay không phù hợp với công việc và mục đích của mình. Tiếp thu cái đúng, cái hay cũng rất cần thiết bởi nó giúp ta mau chóng đạt được kết quả với chất lượng cao.

Câu ca dao trên đây là một lời khuyên nhủ chân tình và là một bài học sâu sắc rút ra từ thực tế đời sống trải qua bao thế kỉ của dân tộc ta. Trong hành trang bước vào đời của mỗi con người, không thể thiếu bài học quý giá đó. Nhưng để có được một ý chí bền vững, một lập trường kiên định và một quyết tâm cao, chúng ta bắt buộc phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài, gian khổ, rèn luyện cho mình khả năng vượt khó và niềm tin vững chắc vào bản thân trong quá trình lao động, vào mục đích ban đầu đặt ra đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh khách quan.

Suy nghĩ về câu ca dao Ai ơi giữ chí cho bền – Mẫu 2

Ai có hiểu được vai trò của ý chí trong mọi công việc hàng ngày. Không có ý chí, người ta dễ bị lung lay bởi những lời bàn ra tán vào vu vơ vò căn cứ. Không có ý chí người ta để bị dao động bởi những hoàn cảnh khách quan tác động vào trong mọi việc từ lớn đến nhỏ.

Tham Khảo Thêm:  Cách hạ cấp phiên bản iOS nhanh nhất

Bởi vậy, ca dao khuyên ta:

Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.

Đây là một lời khuyên đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề phải suy nghĩ

Ý nghĩa của câu ca dao trên là gì?

Ta thấy ngay tác giả dân gian đã mượn một hình ảnh gần gũi, cụ thế để làm vật so sánh cho dễ hiểu: đó là ngôi nhà. Mỗi ngôi nhà đều phải có cái nền vững chắc và được dựng theo một hướng nào đó chủ định: hướng đông nam, tây nam, chính nam, hướng đông bắc… Cái hướng ấy được chọn theo một yêu cầu lợi ích hay thẩm mỹ nào đó của người chủ. Tương tự, con người phải có chí hay chí hướng. Nói theo cách nói ngày nay, có thể gọi đó là quan điểm, lập trường hay đúng hơn là mục đích sống, lý tưởng sống của mình.

Câu ca dao khuyên ta khi đã xác định được chí hướng đúng đắn của mình rồi thì phải kiên gan bền chí với bản lĩnh vững vàng giữ chí cho hển thì mới mong thực hiện được hoài bão lý tưởng của mình. Chống lại mọi sự thay đổi xoay hướng, đổi nền, câu ca dao cũng ca ngợi lòng chung thủy, sự kiên định với cái cũ gợi ta nhớ đến lời thơ Tố Hữu trong bài Ta đi tới nổi tiếng:

Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

Phải có bản lĩnh vững vàng nếu không sè dễ ngả nghiêng theo ý kiến người này, người khác giống như anh chàng đẽo cày giữa đường trong truyện cười dân gian đã nhọc lòng mệt sức tốn công chẳng đạt được kết quả mà còn làm trò cười cho mọi người nữa.

Câu ca dao đúng là một lời khuyên răn chỉ lý chỉ tình, một bài học được rút ra từ biết bao kinh nghiệm thành công cả thất bại ở đời của nhiều người, tương tự những câu: Có chí thì nên, Có công mài sắt/ Có ngày nên kim. Điều này xác đáng trong mọi trường hợp, dùng với việc thực hiện sự nghiệp lớn như cứu nước, làm cách mạng mà cũng hoàn toàn dùng với cả những công việc hàng ngày của đời học sinh chúng ta như làm một bài tập, đọc một quyển sách. Bởi vậy, Bác Hồ từng khẳng định:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên

Câu ca dao cũng còn là một bài học về sự thủy chung trong tình cảm: tình bạn. tình đồng chí, tình yêu… Đó cũng là lời nhắn nhủ đối với những ai như ngựa không cương, như thuyền không lái, trôi dạt lông bông (Vương Dương Minh) để dao động, dễ bị hoàn cảnh khách quan chi phối dẫn đến đổi hướng xoay dòng phản lại mục đích sống lý tưởng mà mình từng xác định từ đầu.

Trong lịch sử của dân tộc ta, chính nhờ tinh thần giữ chí cho bền mà ông ta đã chống lại được âm mưu đồng hóa nham hiểm của giác thù để sau hơn một ngàn năm đô hộ giặc Hoa vẫn có được một đất nước Đại Việt độc lập, hùng cường sau gần một trăm năm nô lệ giặc Tây và hơn hai mươi năm miền Nam bị Mỹ hóa từng ngày về chính trị và kinh tế mà vẫn giữ vững được một đất nước Việt Nam, một con người Việt Nam theo đúng truyền thống dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là từ đầu chúng ta phải xác định đúng đắn mục đích và lý tưởng sống, nói một cách khác là chí hướng của mình sao cho phù hợp với chân lí cuộc đời và đạo lý con người. Không nên tin vào truyền thống để báo thù xưa, làm vậy rồi duy trì những hủ tục lỗi thời trong đời sống. Nhắm mắt làm theo người khác một cách mù quáng là đúng nhưng không thèm xem xét người ta thay đổi như thế nào, vì sao lại phải đổi thay như thế thì chẳng qua đó cũng là thái độ cố chấp một cách mê muội mà thôi.

Tóm lại, trong cuộc sống, bất kì ai, làm bất cứ việc gì khi đã xác định mục đích và phương hướng đúng đắn rồi thì phải kiên định giữ chí cho bền, quyết tâm phấn đấu đến cùng mạc đầu đây đó xung quanh có bao kẻ xoay hướng đổi nền cũng không thể nào nao núng hay dao động mà nửa đường bỏ cuộc hoặc thay hướng đối dòng, chì có thế mới dẫn đến thành công mà thôi.

Câu ca dao đúng là kinh nghiệm sống đẹp trong kho tàng kinh nghiệm phong phú của cha ông ta. Đó vừa là lời động viên khuyến khích mọi người cần có chí hướng và phải kiên định giữ vững ý chí vừa là lời nhắn nhủ ăn bao những kẻ dễ thì làm khó thì bỏ dễ chùn bước khi gặp khó khăn trở ngại hay thất bại liên tiếp nhiều lần.

Suy nghĩ về câu ca dao Ai ơi giữ chí cho bền – Mẫu 3

Ở đời, thường làm công việc gì muốn thành công ta phải bền lòng vững chí. Không vì những lời bàn ra tán vào mà bỏ cuộc hay thay đổi ý kiến của mình. Khi gặp phải khó khăn, ta nên chủ động, bình tĩnh sáng suốt để giải quyết. Để khuyên chúng ta cần phải có nghị lực, giữ vững lập trường trong mọi công việc, ca dao có câu:

“Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai”

Đây là lời kêu gọi, nhắc nhở chân thành: Phải luôn giữ vững ý chí, giữ vững lập trường, không thay đổi; dù cho những người xung quanh có “xoay lưng”, “đổi nền” thì việc ta, ta cứ làm. Như vậy mới mong công việc ta làm có kết quả.

Khi bắt tay vào công việc, ai cũng muốn đạt được thắng lợi. Như vậy ta phải có bản lĩnh, quyết tâm hành động để đạt được mục đích mà mình đề ra. Bất cứ từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc học tập cho đến việc đấu tranh chống giặc, lúc nào và bao giờ cũng gặp phải khó khăn. Những khó khăn ấy có thể do khách quan hoặc chủ quan đưa đến. Lúc này, khi ta có ý chí vững vàng, có bản lĩnh chắc chắn sẽ vượt qua, hoàn thành thắng lợi công việc. Có quyết tâm, có lập trường vững vàng thì ta không phải phân vân, không bị lung lay trước sự bàn tán, sự tác động của môi trường xung quanh. Dẫu cho mọi người có “xoay hướng” hay “đổi nền” ta cũng mặc. Ta cứ theo hướng mình đã vạch ra mà đi tới. “Xoay hướng, đổi nền” ở đây là muốn nói đến việc xoay chiều đổi hướng đi theo ngả khác, con đường khác – đổi cái nền móng mà mình đã xây dựng. Rõ ràng, nếu hướng đã chọn, nền đã xây đắp rồi mà lại thay đổi thì làm sao xây cất cho hoàn thành được ngôi nhà? Cho nên nếu ai cứ mỗi lần làm việc gì cũng bị tác động bởi những lời bàn tán xung quanh và lại “đổi nền”, “xoay hướng” thì những con người đó chẳng bao giờ thành đạt cả. Ta hãy nhìn lại những trang sử vàng của dân tộc, có biết bao người anh hùng hào kiệt đã thể hiện ý chí kiên cường, giữ vững lập trường, kiên định đến cùng và đã tạo nên chiến thắng. Rõ nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ vừa qua, dân tộc ta luôn thể hiện rõ ý chí của mình, quyết tâm chiến đấu đến cùng vì độc lập tự do cho đất nước. Có những lúc tình hình cách mạng lâm vào thế nguy nan tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi, những nhân dân ta vẫn không nản chí ngã lòng, quyết theo Đảng, theo Bác đến cùng và đã giành được thắng lợi vẻ vang. Nêu những lúc lâm nguy như vậy mà cách mạng ta lại “xoay hướng”, “đổi nền” thì không biết đất nước này sẽ đi đâu, về đâu?

Càng suy ngẫm ta càng thấy được giá trị thiết thực của bài học kinh nghiệm này: Phải giữ vững ý chí, phải có lập trường kiên định thì mới đi đến thành công. Và nên nhớ rằng mọi lời “bàn ra tán vào” của dư luận đôi khi không dựa vào cơ sở khoa học nào, không sát với hoàn cảnh thực tế của ta, nên dễ gây ra rối rắm, làm ta hoang mang, có khi hỏng việc. Điều này ta rất dễ dàng thấy trong quá trình học tập của mình. Biết bao lần làm bài đúng, nghe lời bàn tán sửa lại thành sai. Biết bao lần ta lên kế hoạch học tập cho mình, rồi nghe lời bạn này nói ra, bạn kia nói vào cuối cùng ta không làm được chuyện gì cả.

Tham Khảo Thêm:  TOP game miễn phí hay nhất cho Windows 10

Tóm lại, bài học về lòng kiên định, ý chí vững bền là một bài học quý, một kinh nghiệm sống rất cần thiết cho mỗi chúng ta. Cho nên câu ca dao trên luôn có tác dụng tốt, nó nhắc nhở ta không được dao động trước những hoàn cảnh khách quan. Hãy luôn nhớ:

Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

Suy nghĩ về câu ca dao Ai ơi giữ chí cho bền – Mẫu 4

Trong mọi công việc của một cá nhân, tác động từ phía khách quan không phải là nhỏ mà có khi nó làm đảo ngược ý định ban đầu, đẩy con người vào tình thế lúng túng, bị động và kết quả là hỏng việc. Để rèn luyện bản lĩnh, nhân dân lao động thuở xưa đã khuyên nhau:

Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.

Nghĩa đen: Nói về chuyện làm nhà, chủ nhà đã định thế nào thì cứ làm như thế, không nên dao động bởi sự can thiệp của người khác.

Nghĩa bóng: Trong cuộc sống, ta phải giữ vững chủ ý. Tức là có ý chí, lập trường và quyết tâm hoàn thành công việc sau khi đã xác định mục đích đúng đắn. Không nên dao động trước dư luận vì điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đối với quá trình thực hiện công việc.

Ý nghĩa câu ca dao trên là hoàn toàn đúng đắn. Trước khi bắt tay vào làm một việc gì đó, người ta thường đặt ra mục đích và mong muốn đạt được mục đích. Trong quá trình thực hiện công việc, tiến tới mục tiêu cuối cùng, có thể có nhiều thay đổi nhưng phải suy đoán cẩn trọng, giữ vững ý định, hướng đến kết quả cao nhất.

Trong khi làm việc, khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy muốn đạt được mục đích thì phải có ý chí và quyết tâm cao. Giữ vững ý chí và quyết tâm là điều kiện cơ bản để quyết định thắng lợi của công việc, là đức tính cần thiết hàng đầu của người lao động. Không có ý chí, không có lập trường vững vàng, dễ dao động không những khiến kế hoạch bị thay đổi so với dự định ban đầu mà con đường tiến đến thành công trở nên khó khăn hơn nhiều. Thậm chí nó có thể làm thay đổi hoàn toàn mục tiêu.

Như câu chuyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường đã cho ta một bài học sâu sắc rằng nếu không có lập trường, không tin tưởng bản thân thì nhất định sẽ thất bại. Chuyện kể rằng có một người nông mang một khúc gỗ ra giữa đường để đẽo cày. Lúc bao đầu, ông ta làm việc rất hăng say. Nhưng, đến tầm giữa trưa, khi cái cày sắp được làm xong, có một người đi ngang che rằng chỗ này, chỗ kia chưa được. Người nông dân vội vàng sữa chữa như lời nhận xét kia. Cứ thế, nhiều người khác đi qua lại góp ý khiến ông sữa không ngừng. Đến chiều, cái cày vẫn chưa đẽo xong. Giờ đây, người nông dân nhìn lại nó đã bị biến dạng quá nhiều đến nỗi không thể sửa chữa được nữa.

Chỉ vì không tin ở bản thân, không có lập trường vững vàng, một người nông dân có nhiều kinh nghiệm trong việc đẽo cày đã tự mình chuốc lấy thất bại đắng cay.

Ý nghĩa lời khuyên trên chỉ hoàn toàn đúng khi mục đích đúng đắn, phương pháp làm việc phù hợp với thực tế khách quan. Nếu dư luận tác động vào công việc là dư luận xấu thì nhất thiết ta không nên nghe theo, làm theo vì sẽ dẫn đến kết quả xấu. Nên tham khảo và tiếp thu có sáng tạo cái mới, cái đúng, vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh của mình, nhằm đạt được mục đích ban đầu đã đặt ra. Ý chí kiên định, quyết tâm cao cần đi đôi với biện pháp linh hoạt trong khi làm việc.

Câu ca dao “Ai ơi giữ chí cho bền” là một lời khuyên đúng đắn, chân tình, rất phù hợp với con người và hoàn cảnh Việt Nam. Việc rèn luyện ý chí, quyết tâm là điều hết sức cần thiết đối với mỗi người. Ý chí lớn, quyết tâm cao kết hợp với trí tuệ sắc sảo là những yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi trong mọi công việc và trong sự nghiệp.

Suy nghĩ về câu ca dao Ai ơi giữ chí cho bền – Mẫu 5

Trong dòng chảy thời gian hàng ngàn năm, hàng trăm năm sẽ có bao chuyện đời bị phủ mờ, bị quên lãng. Thế nhưng lại có một sự kỳ lạ, những câu nói dân gian, nhất là ca dao tục ngữ cứ đậu lại trong lòng, gợi nhớ gợi thương, nhắc nhở ta bao điều.

Xã hội biến động không ngừng, lòng người luôn đổi thay, đến một phút giây nào đó, trước nhưng trắc trở, tình huống gai góc trong cuộc sống, những vấn đề cần giải đáp, thì bất chợt những câu tục ngữ, ca dao ấy liền vụt hiện, làm sáng lên trong tâm hồn ta bao ý tưởng đẹp, bao gợi ý hay. Câu ca dao dưới đây là một ví dụ:

“Ai ơi giữ chí cho bền,
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai”.

Hai tiếng “ai ơi” cất lên làm cho câu ca dao trở thành một tiếng gọi đàn tha thiết. Ba chữ “ai” cùng xuất hiện nối tiếp, hô ứng đều là đại từ nhân xưng phiếm chỉ. Chữ “ai” trong câu ca thứ nhất là đại từ nhân xưng chỉ ngôi thứ 2, có thể là anh, chị, hoặc mỗi chúng ta, người trực tiếp nhận lời nhắn gọi. Hai chữ “ai” trong câu ca thứ hai chỉ người đời gần xa, là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.

Trong ngôn ngữ dân tộc, chữ “chí” trong câu “Ai ơi giữ chí cho bền” có nhiều nghĩa như ý chí, chí chí, chí hướng, nói lên sức mạnh tinh thần quyết không thay đổi. Chữ “bền” chỉ sự dẻo dai, bền vững, giữ vững được lâu dài, không biến đổi, không suy yếu, dù có bị tác động bất lợi từ bên ngoài. “Giữ chí cho bền” ‘nghĩa là quyết tâm giữ vững ý chí, không nao núng, không thay đổi trước mọi khó khăn trở ngại, quyết thực hiện mục đích cao đẹp của mình.

Câu thứ hai nói về thiên hạ, nói về những sự việc khách quan đang diễn ra, và “ai ơi” hãy bình tâm “giữ chí cho bền” trước những sự việc đó:

“Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai”.

“Hướng” là phương hướng, chí hướng. “Nền ” là nền tảng, là cơ sở. Làm nhà thì phải xem hướng, đắp nền để nhà cửa bền vững, thoáng mát, mỹ quan. Tục ngữ có câu: “đắp nền xây nhà, đi xa trông hướng”. Hướng và nền chỉ sự bền vững, tính mục đích trong làm ăn, trong sinh sống của mỗi người. Những kẻ “xoay hướng đổi nền” là những con người không có chí hướng bền vững, hay thay đổi, dao động trong cuộc sống. Vì thế mới có thành ngữ: “xoay như xoay chong chóng”. Bốn chữ: “dù ai, mặc ai” nhắc nhở một cách ứng xử, nói lên một thái độ phủ định, khuyên nhủ mọi người đừng dao động, không nên lệ thuộc vào hành động thiên hạ, việc làm của người ta thì mặc kệ người ta, đừng có a dua, bắt chước một cách vội vã, thiếu cân nhắc, tính toán.

Tóm lại, câu ca dao “Ai ơi giữ chí cho bền – Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai” nêu lên một lời khuyên chân thành, một bài học về giữ vững ý chí, chí hướng của mình, bản lĩnh của mình, quyết tâm hành động để thực hiện tốt đẹp mục tiêu của mình đã đề ra. Không nên bị động, dao động vì thiên hạ mà nhụt chí, ngã lòng.

Tham Khảo Thêm:  Toán 6 Bài 1: Điểm. Đường thẳng Giải Toán lớp 6 trang 79

“Giữ chí cho bền” vô cùng quan trọng. Đường đời nhiều khó khăn thử thách. Vạn sự khởi đầu nan. Việc học hành, việc làm ăn, kinh doanh buôn bán, công tác nghiên cứu khoa học, v.v… đều phải có mục đích, có kế hoạch, đâu có thể tùy tiện được. Có mục đích, có kế hoạch chưa đủ mà còn cần phải có nghị lực, có ý chí để đương đầu với mọi khó khăn, dũng cảm vượt qua mọi thử thách, trở ngại thì mới có thể giành thắng lợi.

Phải biết giữ chí cho bền. Cuộc đời không bao giờ nuông chiều hoặc “bày cỗ” cho những kẻ thiếu bản lĩnh, yếu hèn, sống bị động, dao động. Thiên hạ trăm người trăm ý, vạn người vạn ý. Khen chê phải, trái; bình luận đúng, sai là chuyện đời mà ta thường nghe thấy. Nhiều người bị hỏng việc vì dao động khi nhìn thấy thiên hạ “xoay hướng đổi nền”. Có người bị tan tành cả cơ nghiệp như anh thợ mộc ngày xưa “đẽo cày giữa đường” là vậy!

Sống giữa cuộc đời, ta phải biết bình tâm lắng nghe ý kiến mọi người, phải để ý xem xét hành động “xoay hướng đổi nền” của thiên hạ. Chính trong hoàn cảnh ấy, trí tuệ ta thêm sáng suốt, ý chí ta thêm sắt đá, quyết tâm ta càng thêm cao, công việc sẽ hoàn thành tốt đẹp. Ý chí, chí hướng là phẩm chất cao quý hàng đầu của con người chân chính. Vì thế, Bác Hồ đã dạy thanh niên:

“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”.

Hình như câu ca dao này còn ngụ ý nêu lên bài học biết giữ vững sự thủy chung son sắt trong tình yêu ? Nó cũng tương tự như bài ca dao:

“Dù ai nói đông nói tây
Thì ta cũng vững như cây giữa rừng.
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta cũng vững như kiềng ba chân”.

“Ai ơi giữ chí cho bền – Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai” là tình cảm, tư tưởng, trí tuệ dân gian, là sản phẩm tinh thần của một nền sản xuất tiểu nông nhỏ bé, khép kín. Ý chí, chí hướng là phẩm chất cao quý, nhưng chưa đủ. Con người còn cần phải có trí tuệ thông minh sáng suốt. Có chí hướng, có ý chí nhưng không được bảo thủ, tự coi mình là “nhất thiên hạ”. Phải sáng suốt, tỉnh táo phân biệt đúng, sai, cái tiến bộ, lạc hậu và cái lỗi thời. Biết gạt bỏ cái hạn chế của mình, thấy rõ cái sở đoản của mình, biết khiêm tốn học hỏi cái hay, cái tốt đẹp của thiên hạ mới là con người thức thời, khôn ngoan. Đổi mới, hòa nhập xu thế của thời đại. Không thể đóng cửa tự khép kín mình mà phải vừa học hỏi cái tinh hoa của người, vừa dám đem cái tốt đẹp của mình để thi thố tài năng với thiên hạ.

Nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ mới, thời đại của nền văn minh tri thức. Chủ quan, tự mãn, duy ý chí là những tư tưởng phải khắc phục. Sống trong xã hội mới, xã hội của nền sản xuất công nghiệp hóa và hiện đại hóa, câu ca dao trên đây là một bài học bổ ích cho mỗi chúng ta trong việc trau dồi phẩm chất ý chí, xác định chí hướng, nêu cao quyết tâm trong hành động, trong học tập và lao động. Thời đại của nền văn minh tri thức, với những phát minh mạnh của ý chí là sức mạnh của trí tuệ. Vì thế, tuổi trẻ phải biết học tập một cách kì diệu về tin học, về vũ trụ, về sinh học,… ta nên nhớ và nên biết, cùng với sức thông minh và sáng tạo, biết đổi mới nội dung và phương pháp học tập.

Ca dao dân ca đã cùng sữa mẹ và lời ru của mẹ nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ mỗi chúng ta. Cho nên phải biết học ca dao. Phải biết nói bằng ca dao. Và còn phải biết suy nghĩ từ ca dao, suy nghĩ một cách mới mẻ. Câu ca dao:

“Ai ơi giữ chí cho bền,
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai”.

càng đọc ta càng cảm thấy thú vị.

Suy nghĩ về câu ca dao Ai ơi giữ chí cho bền – Mẫu 6

Những người nghèo khó là những người để tương lai của mình phụ thuộc vào ý kiến và sự cho phép của người khác. Điều đó có thể là điều hết sức tồi tệ vì nó đôi lúc gây cho ta sự lúng túng, bối rối và thành ra là hỏng việc. Do đó, để thành công trong bất kì công việc nào thì chúng ta cũng phải có ý chí, nghị lực và trên hết là một trái tim kiên định. Chính vì vậy mà từ thời xa xưa, ông bà ta đã dạy rằng:

“Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai”

Từ “chí” trong câu trên mang ý nghĩa là ý chí, là lập trường của con người. “xoay hướng đổi nền” có nghĩa bóng là những ý kiến , những can thiệp bên ngoài tác động vào lập trường của ta. Qua đó, ta thấy được ông bà ta ngày xưa muốn chúng ta nên suy nghĩ cẩn thận, đặt ra mục đích rõ ràng và giữ vững niềm tin của mình trong các quyết định, những điều đó được tóm tắt ngắn gọn trong hai chữ “kiên định”. Có một vài người chắc hẳn sẽ lẫn lộn giữa kiên định và lì lợm, bướng bỉnh. Nhưng các bạn nên hiểu rằng lì lợm, bướng bỉnh nghĩa là cái sai rành rành ra trước mắt nhưng vẫn tuyệt nhiên phủ định nó. Trong khi đó kiên định là bảo toàn ý kiến mà mình nghĩ là đúng dù chưa biết sự thật như thế nào. Tính kiên định là điều kiện không thể thiếu, là đức tính cần thiết cho bất kì sự thành công nào của con người chúng ta. Trên thế giới này có rất nhiều tấm gương nổi tiếng về sự kiên định, điển hình gần nhất với chúng ta ví dụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã gặp những khó khăn tưởng như không thể nào vượt qua được tuy vậy họ vẫn tạo ra được cái gọi là kỳ tích. Xa hơn thì có Michael Jordan, Oprah Winfrey, Albert Einstein là những người xuất chúng vì họ đã làm chủ được cuộc đời họ theo đúng nghĩa của từ “kiên định”.

Đồng thời, bên cạnh những người biết kiên trì để đạt được thành công trong cuộc sống vẫn có những người có biểu hiện thiếu sự kiên trì cũng không ít những người thiếu ý chí, nghị lực, dễ nản lòng thoái chí ví dụ như những người chỉ biết dựa vào người khác,sự giúp đỡ người khác để nhận được thành công về mình. Những người đó chắc chắn sẽ không nhận được sự yêu mến, kính trọng từ mọi người mà sẽ nhận lấy thất bại. Điều đó là chắc chắn.,

Nói tóm lại, kiên trì là một đức tính cần có ở mỗi con người. Là học sinh chúng ta cần cố gắng nỗ lực , học tập, rèn luyện một ý chí vững vàng để tự tin bước vào đời và thực hiện những điều chúng ta mơ ước.

Câu ca dao trên đã cho chúng ta một lời khuyên thật đúng đắn, hữu ích. Trong thâm tâm chúng ta phải có lòng cảm ơn trước lời khuyên chân thành của ông bà. Hãy nhớ rằng:” Chúng ta chỉ thật sự thất bại khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng”

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Suy nghĩ về câu Ai ơi giữ chí cho bền/Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai (Dàn ý + 6 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 10 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

Viết một bình luận